THAM LUẬN
CỦA CỤC TRƯỞNG CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM
Tại Đại hội Lần thứ IV Hiệp hội Cảng biển Việt Nam
Phan Thiết – Bình Thuận
29-30 /11 /2001
Kính thưa các Quý vị đại biểu
Kính thưa Quý Bà, Quý Ông
Trước hết, cho phép tôi được nói lời cảm ơn tới Ban tổ chức Hội nghị đã mời và dành cho tôi cơ hội được phát biểu tại một hội nghị quan trọng này. Tôi có rất nhiều điều muốn trình bày nhưng vì thời gian có hạn nên tôi xin phép được đề cập tới những vấn đề chính trong việc quy hoạch đầu tư hệ thống cảng biển Việt nam và cải cách thủ tục hành chính cảng mà ngành hàng hải đang triển khai.
Thưa Quý Ông, bà
Việt nam được coi là một trong số những quốc gia có tiềm năng rất lớn về hoạt động khai thác kinh tết biển bởi với bờ biển dài trên 3.260km có nhiều vụng, vịnh cửa sông nối liền với Thái bình dương rất thuận tiện cho việc xây dựng hệ thống cảng biển, phát triển đội tàu biển quốc gia và các cơ sở công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển và thực hiện các loại hình dịch vụ hàng hải thương mại khác.
Dựa vào sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam tăng nhanh hàng năm
Năm 1995: 34.000.000T
Năm 1996: 36.656.337T
Năm 1997: 45.760.326T
Năm 1998: 56.899.006T
Năm 1999: 72.782.392T
Năm 2000: 83.043.031T
6 tháng đầu năm 2001: 45.500.000T, và nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong thiên niên kỷ mới, ngày 12/10/1999, tại quyết định 202/1999-QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hệ thống Cảng biển Việt Nam đến năm 2010 với 114 cảng và điểm cảng, được phân thành 8 cụm chính tính từ Bắc đến Nam và các hải đảo với sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 210 triệu tấn/năm
Song song với việc phát triển và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển, vấn đề cải cách thủ tục hành chính cảng biển và triển khai những bước chuyên đổi cơ bản về hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải theo hướng gọn nhẹ, nâng cao hiệu quả điều hành tạo điều kiện hòa nhập với hàng hải quốc tế. Những năm qua, hoạt động quản lý chuyên ngành hàng hải trên cả nước đã ghi nhận nhiều biến đổi tích cực, đã và đang góp phần quan trọng cho quá trình phát triển của toàn ngành nói chung và phần nào đã tạo điều kiện thuâậ lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay để thực hiện triệt để mục tiêu “xây dựng một nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hóa” theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thức IX đã thông qua, việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong các hoạt động quản lý Nhà nước đang là yêu cầu hết sức cấp thiết.
Vừa qau, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề xuất thí điểm một số cơ chế quản lý hành chính chuyên ngành tại Thương Cảng Sài Gòn trước khi triển khai áp dụng thống nhất trên cả nước. Nội dung thí điểm phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản sau:
Thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu biển Việt Nam, tàu biển nước ngoài và mọi tổ chức, cá nhân có liên quan khi tham gia hoạt động hàng hải thương mại tại Thương cảng Sài Gòn, nhằm phù hợp với quy định của các Điều ước quốc tế và tập quán, thông lệ hàng hải thương mại quốc tế.
Thứ hai, xóa bỏ sự bất cập, mâu thuẩn, chồng chéo và tình trạng “hình thức hóa” thủ tục hành chính chuyên ngành hiện đang áp dụng tại Thương cảng Sài Gòn nhưng không còn phù hợp vớ thực tế đang gây nên những cảng trở hoặc phát sinh những tiê cực không đáng có và phần nào làm ảnh hưởng đến uy tính quốc gia.
Thứ ba, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của Tp.HCM nói chung cũng như Thương cảng Sài gòn nói riêng, qua đó làm cơ sở để triển khai thực hiện thống nhất tại tất cả các cảng biển của nước ta trong thời gian tới.
Thứ tư, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách nền hành chính quốc gia, mà đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Thứ năm, hình thành dần cơ chế quản lý tập trung về mọi mặt thủ tục hành chính của các chuyên ngành theo nguyên tắc điều hành của “Chính quyền Cảng”, được thông qua một “đầu mối” thống nhất tại Cảng vụ Sài Gòn.
Để phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật, các nội dung đề xuất của đề án này đang được hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Sau thời gian thực hiện thí đểm sẽ tiến hành đánh giá kết quả để làm cơ sở triển khai áp dụng thống nhất trong hệ thống cảng biển của nước ta.
Thưa các Quý vị
Vai trò của Hiệp hội cảng biển Việt Nam
Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của Hiệp hội cảng biển Việt Nam vào quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngành hàng hải Việt Nam
Một là, tham gia vào xây dựng chính sách liên quan, vấn đề quan trọng của khối cảng như cơ chế quản lý CSHT, dự thao sửa đổi bổ sung luật hàng hải, thuế GTVT, giá dịch vụ cảng biển, điều kiện kinh doanh vận tải hàng hải v.v..
Hai là, duy trì và phát triển các quan hệ đối ngoại với các tổ chức hàng hải khác trong khu vực và quốc tế, tham gia tích cực các sinh hoạt của Hiệp hội cảng biển ASEAN
Ba là, phối hợp hoạt động các cảng thành viên tạo sức mạnh đáp ứng yêu cầu xếp dỡ hàng, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và quản lý cảng.
Trong hoạt động của cảng bên cạnh những thuận lợi chúng ta còn gặp nhiều khó khăn trong hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh.
Qua hội nghị này, tôi đề nghị các cơ quan nhà nước có liên quan hỗ trợ Hiệp hội Cảng biển, các cảng thành viên giải quyết về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính theo hướng chính quyền cảng của các khu vực.
Nhân dịp này, thay mặt Cục Hàng hải Việt Nam, tôi kính chúc các Quý vị Đại biểu khỏa mạnh, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.