Trước khi nhập cảnh, tàu biển phải vào vị trí neo đậu được chỉ định bởi cảng vụ và chỉ được vào làm hàng sau khi các thủ tục kiểm dịch hoàn thành. Thủ tục ra, vào cảng cho tàu biển được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia.
Cơ quan quản lý chuyên ngành hàng hải đã kịp thời xây dựng phương án cập cảng làm hàng cho cả tàu biển và phương tiện thủy nội địa tại các địa phương áp dụng giãn cách, góp phần thông suốt chuỗi lưu thông hàng hóa – Ảnh minh họa
Trong thời gian tàu làm hàng, thuyền viên, hành khách không được đi bờ (trừ trường hợp thay thuyền viên hoặc trường hợp khẩn cấp). Chỉ những người có nhiệm vụ mới được lên, xuống tàu và tuân thủ tuyệt đối sự giám sát, cấp phép của Biên phòng cảng. Tàu biển phải thiết lập lối đi riêng, thiết lập khu vực làm việc ngoài cabin cho tổ chức, cá nhân lên tàu làm việc.
“Lực lượng hoa tiêu hàng hải phải trang bị đầy đủ đồ bảo hộ phòng dịch, tiếp cận buồng lái bằng cầu thang bộ bên ngoài cabin. Đồng thời, thuyền viên lai dắt không được tiếp xúc trực tiếp với thuyền viên tàu biển mà liên lạc thông qua VHF”, Cục Hàng hải VN yêu cầu.
Đối với phương tiện thủy nội địa, Cục Hàng hải VN yêu cầu cảng vụ hàng hải thông báo kịp thời cho các phương tiện yêu cầu liên hệ với đại lý đại diện của công ty hoặc đơn vị dịch vụ để làm thủ tục vào, rời cảng.
Trường hợp chủ phương tiện thủy nội địa không có người làm thủ tục trên bờ, cảng vụ phối hợp với doanh nghiệp cảng nơi tàu neo đậu hỗ trợ làm thủ tục. Trong đó, hồ sơ, bằng cấp có thể chụp gửi nếu hệ thống phần mềm dữ liệu của cảng vụ chưa lưu trữ, dữ liệu tàu, thuyền viên và không thể tra cứu được, không xuất trình bản chính.
Cảng vụ sau khi làm thủ tục cho phương tiện sẽ gửi bản scan giấy phép vào, rời cảng biển, biên lai thu phí, lệ phí hàng hải điện tử cho doanh nghiệp cảng và phương tiện. Sau đó, doanh nghiệp cảng tạm thu giấy phép rời cảng cuối cùng của phương tiện, bản khai và phí, lệ phí để nộp lại cho cảng vụ.
Nguồn: baogiaothong