Chiều 09/5, tại TP Hải Phòng, Ban Quản lý khu kinh tế Thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng bến số 7, số 8 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng cho Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng chủ trì. Tham dự có các đồng chí lãnh đạo các sở, ban ngành của TP Hải Phòng. Đại tá Nguyễn Năng Toàn, Chủ tịch Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đại diện lãnh đạo Tổng công ty tiếp nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án.
Sau khi được Chính phủ giao triển khai Dự án bến cảng số 1, số 2 tại cảng nước sâu Lạch Huyện, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã khai thác hiệu quả, chứng minh được tính đúng đắn trong quyết định xây dựng, phát triển cảng nước sâu tại Hải Phòng. Đặc biệt, góp phần rất lớn trong việc tiết giảm chi phí vận tải biển, chi phí logistics thông qua các dịch vụ đi thẳng, trực tiếp được khai thác bằng các con tàu lớn đến 140.000 DWT có chi phí cạnh tranh hơn đến các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Châu âu, Australia cũng như các tuyến nội Á. Sản lượng hàng hóa thông qua hai bến khởi động số 1, 2 Khu bến Lạch Huyện tăng trưởng mạnh mẽ hàng năm. Đến nay, lượng hàng thông qua hai bến khởi động số 1, 2 gần đạt công suất thiết kế (năm 2022 sản lượng đạt trên 1,1 triệu Teu).
Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng phát biểu
Sau thành công của dự án khởi động tại khu bến Lạch Huyện – Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng bàn giao đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến số 7, số 8 nhằm đáp ứng mục tiêu trong chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam.
Quy mô dự án bao gồm: Đầu tư xây dựng 2 bến có chiều dài 900m (mỗi bến dài 450m), tiếp nhận cỡ tàu container đến 12.000 Teus hoặc đến 18.000 Teus phù hợp với điều kiện tiếp nhận của kết cấu hạ tầng liên quan và đáp ứng các yêu cầu về an toàn; 1 bến sà lan dài 200m, tiếp nhận sà lan sức chở 160 Teus; hệ thống thiết bị khai thác, bốc xếp hàng hóa; công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện; quy mô sử dụng đất, mặt nước khoảng 79,86ha (bao gồm khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải khoảng 22,332ha).
Tổng vốn đầu tự của dự án khoảng 12.792,637 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) khoảng 1.918,896 tỷ đồng; vốn huy động khoảng 10.873,741 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm; tiến độ thực hiện dự án là 5 năm (2023 – 2027).
Với tốc độ phát triển nhanh của khu vực miền Bắc, sản lượng container qua các cảng tại khu vực Hải Phòng tăng trung bình 15% mỗi năm. Việc được Chính phủ tin tưởng giao cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, doanh nghiệp quốc phòng an ninh, nhà khai thác cảng, cung cấp Dịch vụ logistics hàng đầu Việt Nam, xếp thứ 17 Cụm cảng container có sản lượng lớn nhất thế giới, xếp thứ 5 doanh nghiệp uy tín ngành Logistics Việt Nam; là 1 trong 7 doanh nghiệp nhà nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nghiên cứu thí điểm trong Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường cho thị trường, trở thành những cánh chim đầu đàn của nền kinh tế, để đầu tư xây dựng bến số 7, số 8 tại khu bến cảng Lạch Huyện, sẽ đáp ứng tốt kỳ vọng của Chính phủ giao, xây dựng nơi đây, trước hết nhằm hiện thực hóa mục tiêu trong chiến lược biển Việt Nam, bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển, đảo; đồng thời đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực miền Bắc; góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hải Phòng nói riêng khu vực phía Bắc nói chung.
Tin, ảnh: Công Hoan