Chủ hàng Việt đang “gồng mình” chờ đợi giá cước vận tải container ngắt đà tăng khi các cơ quan quản lý tìm mọi cách bình ổn thị trường, tránh tình trạng thao túng giá của các hãng tàu.
Giá cước vận tải container dự báo chưa thể giảm ngay trong năm 2021. Ảnh minh họa: TCIT
Khó ngắt đà tăng
Đại diện Công ty Hương gia vị Sơn Hà cho biết, với 70% sản lượng hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ, 20% lượng hàng xuất khẩu qua thị trường châu Âu, doanh nghiệp (DN) này đang rất lo lắng khi giá cước vận tải container vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Vị này cho biết, giá cước vận tải đi bờ Đông nước Mỹ tới cảng Miami, thời điểm đầu năm giá thị trường chỉ khoảng 7.000 – 8.000 USD/container 40 feet, hiện đã lên hơn 20.000 USD/container.
Chặng đi các cảng châu Âu như: Rotterdam (Hà Lan), Hamburger (Đức), đầu năm chỉ khoảng 4.000 – 5.000 USD/container 40 feet, nhưng đến tháng 7/2021 tăng đến 13.000 – 13.500 USD/container, hiện đã chạm ngưỡng 15.000 – 16.000 USD/container.
Cước cao cộng với khó khăn trong việc đặt chỗ trên tàu, lượng hàng xuất khẩu của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu trước đây, tháng cao điểm công ty có thể xuất được hơn 80 container hàng, gần đây sản lượng hàng xuất đi giảm bình quân từ 10 – 15 container/tháng.
Thống kê 8 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu của Sơn Hà giảm 28%, chi phí cước công ty phải chi trả tăng 500% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN thông tin, sản phẩm gỗ của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu đi Mỹ.
Tính trong hơn 8 tháng năm 2021, lượng hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu đã đạt gần 10 tỷ USD. “Nghịch lý là có những chặng, tiền hàng một container chỉ 15.000 – 16.000 USD, song, chi phí giá cước lại lên đến 17.000 – 18.000 USD, triệt tiêu tính cạnh tranh của hàng hóa”, ông Hoài nói.
Ông Bùi Việt Hoài, Phó chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu VN cho biết, dự báo từ nay đến hết năm 2021, kịch bản giá cước vận tải container quay đầu giảm khó xảy ra. Thậm chí, đà tăng hiện nay có thể kéo dài đến giữa năm 2022.
“Nguyên nhân xuất phát từ thực trạng tắc nghẽn tại các cảng biển lớn ở Trung Quốc và Mỹ, tình trạng thiếu vỏ container vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, hàng xuất khẩu lại đang bước vào mùa cao điểm cuối năm, nhu cầu hàng hóa phục vụ cho mùa Noel tăng cao”, ông Hoài chia sẻ.
Siết chặt quản lý niêm yết giá, loại bỏ đại lý trung gian thiếu uy tín
Theo dự báo từ nay đến hết 2021, giá cước vận tải container khó giảm, thậm chí đà tăng có thể kéo dài đến giữa năm 2022 (Trong ảnh: Cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng). Ảnh: N.K
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Hồng Giang, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN cho rằng, giá cước vận tải container hiện thay đổi theo quan hệ cung – cầu và việc tăng giá được các hãng tàu áp dụng trên toàn cầu, không riêng Việt Nam.
“Ngay các quốc gia có hệ thống pháp luật chặt chẽ như Mỹ, Trung Quốc cũng đang tìm các biện pháp ổn định giá cước vận tải biển nhưng vẫn chưa có kết quả”, ông Giang nói.
Cũng theo ông Giang, trong bối cảnh hiện nay, quản lý thị trường, giá cước trong nước minh bạch, không để một số đại lý giao nhận thiếu uy tín “thổi giá, làm giá” trục lợi trên khó khăn của DN xuất, nhập khẩu là việc Việt Nam và các nước đang tích cực triển khai.
Tại Việt Nam, Nghị định 146/2016 của Chính phủ về niêm yết giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển đã quy định tất cả các giá dịch vụ hàng hải đều phải niêm yết.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có các hãng tàu thực hiện nghiêm niêm yết theo quy định. Hầu hết các công ty đại lý giao nhận liên quan vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Vì vậy, từ ngày 1/10/2021, Cục Hàng hải VN sẽ mở rộng kiểm tra việc tuân thủ, niêm yết giá dịch vụ của các đại lý giao nhận/forwarder để từng bước loại bỏ bất cập, minh bạch tất cả các loại giá dịch vụ trong vận tải đường biển, đảm bảo quyền lợi cho chủ hàng.
Ông Giang thông tin, quá trình làm việc với hãng tàu thời gian qua cho thấy, sự tương tác giữa DN xuất, nhập khẩu của Việt Nam với các hãng tàu trên nền tảng điện tử đang rất hạn chế và được đánh giá rất thấp.
Thời gian tới, Cục Hàng hải sẽ phối hợp với các hiệp hội, hãng tàu lớn xây dựng một nền tảng điện tử ưu việt để chủ hàng tiếp cận trực tiếp với hãng tàu, tiếp cận khung giá tốt nhất.
“Các hiệp hội ngành hàng cũng cần tổng hợp, cung cấp cho cơ quan quản lý danh sách DN logistics uy tín để tiến hành công khai thông tin, vừa giúp khách hàng lựa chọn được DN tốt, vừa là cơ sở khuyến khích các công ty uy tín, minh bạch phát triển, loại bỏ những đơn vị cơ hội, trục lợi”, ông Giang nói.
Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn giai đoạn trước mắt, đại diện Công ty VIMC Logistics nhận định, giá cước liên tục tăng trong thời gian qua là giá cước giao ngay. Đối với các hợp đồng dài hạn được ký từ 2 – 3 năm trước, giá cước vận tải container không thay đổi nhiều.
“Tại sao chủ hàng Việt Nam không chủ động lên một kế hoạch dài hạn trong xuất khẩu hàng hóa để thời gian dài sắp tới không chịu rủi ro quá nhiều bởi sự biến động liên tục của cước vận tải?”, vị này đặt vấn đề và cho rằng, để làm được điều này, các hiệp hội có thể tổ chức rà soát, gom nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của chủ hàng Việt Nam và đại diện cho các chủ hàng ký kết hợp đồng với hãng tàu để có được mức cước ổn định nhất, thay vì để cho từng DN phải đơn phương chống chọi với cơn “bão giá” bởi lượng hàng không đủ lớn và ổn định để ký kết hợp đồng dài hạn.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tính đến thời điểm hiện tại, 2/10 hãng tàu cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa từ Việt Nam đi châu Âu, châu Mỹ đã thông báo bình ổn giá cước vận chuyển container.
Trong đó, hãng tàu CMA CGM quyết định dừng tăng giá cước từ ngày 9/9/2021 – 1/2/2022 đối với tất cả các thương hiệu của tập đoàn (CMA CGM, CNC, Containerships, Mercosul, ANL, APL).
Chính sách này được áp dụng cho tất cả các tuyến dịch vụ và tất cả khách hàng, kể cả khách vãng lai (sử dụng giá thời điểm).
Hãng tàu Hapag-Lloyd cũng đã có thông báo tạm dừng tất cả các đợt tăng giá cước giao ngay (giá cước theo thời gian thực) cho đến ngày 1/2/2022.
Nguồn: baogiaothong