5 nhóm cảng biển, 4 cảng tiềm năng đặc biệt
Theo quyết định của Thủ tướng, hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới sẽ được phân thành 5 nhóm thay vì 6 nhóm cảng biển như giai đoạn trước.
Tại quy hoạch giai đoạn mới, hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ được phân thành 5 nhóm thay vì 6 nhóm cảng như trước đây – Ảnh minh họa
Nhóm cảng biển số 1 gồm 5 cảng biển: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Nhóm cảng biển số 2 gồm 6 cảng biển: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Nhóm cảng biển số 3 gồm 8 cảng biển: Đà Nẵng (gồm khu vực huyện đảo Hoàng Sa), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (gồm khu vực huyện đảo Trường Sa), Ninh Thuận và Bình Thuận.
Nhóm cảng biển số 4 gồm 5 cảng biển: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Long An.
Nhóm cảng biển số 5 gồm 12 cảng biển: Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang.
“Những cảng biển nào sẽ phát triển kết nối đường sắt?Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, cảng biển loại đặc biệt và cảng biển loại I trên hàng lang Bắc – Nam sẽ được phát triển các tuyến đường sắt kết nối; hình thành các bến cho phương tiện thủy nội địa trong vùng nước cảng biển; hệ thống đường bộ cao tốc kết nối với các cảng biển loại đặc biệt, hệ thống quốc lộ, đường địa phương kết nối trực tiếp đến hệ thống cảng biển.
Quy hoạch cũng định hướng phát triển cảng cạn tại các khu vực kinh tế, hành lang kinh tế, ưu tiên quy hoạch các vị trí có kết nối thuận lợi bằng vận tải đường thủy nội địa, vận tải sông pha biển, đường bộ cao tốc, đường sắt đến các cảng biển quan trọng trong các nhóm cảng biển.”
Trước đó, tại Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, theo phân vùng KT-XH của nước ta hiện nay, khu vực miền Trung hiện chỉ có 2 khu vực: Bắc Trung Bộ gồm 06 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế và Duyên hải miền Trung (Nam Trung Bộ) gồm 8 tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Do đó, để phù hợp với điều kiện phân vùng KT-XH, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chia làm 5 nhóm cảng biển.
Điểm mới tại quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển lần này là bên cạnh hai cảng biển loại đặc biệt là Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu, 4 cảng biển khác được quy hoạch là cảng biển tiềm năng đặc biệt, gồm: cảng biển Thanh Hóa, cảng biển Đà Nẵng, cảng biển Khánh Hòa và cảng biển Sóc Trăng.
Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ hơn 1,1 tỷ tấn đến hơn 1,4 tỷ tấn. Trong đó, hàng container từ 38 – 47 triệu TEU; hành khách từ 10,1 – 10,3 triệu lượt khách.
Giai đoạn đến năm 2050, phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới với năng lực đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4 – 4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2 – 1,3%/năm.
Quy hoạch địn hướng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cảng biển Việt Nam – Ảnh minh họa
Chủ yếu huy động vốn ngoài ngân sách
Tại quy hoạch được phê duyệt, tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Quy hoạch xác định nguồn vốn trên được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng; khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.
Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển quy hoạch cũng xác định thực hiện các giải pháp thu hút, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của doanh nghiệp.
Các dự án kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng được xác định ưu tiên đầu tư, gồm: đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải phục vụ tàu đến 200.000 tấn giảm tải (18.000 TEU); dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu – giai đoạn 2 cho tàu đến 20.000 tấn giảm tải; nâng cấp luồng vào cảng Nghi Sơn, luồng sông Chanh, luồng Cẩm Phả, luồng Thọ Quang và các tuyến luồng khác; các đèn biển tại các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải.
Các bến cảng được ưu tiên đầu tư gồm: các bến tiếp theo thuộc khu bến Lạch Huyện; bến khởi động khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng); các bến tại khu bến Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu); các bến cảng chính thuộc cảng biển loại I; các bến khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn gắn trung tâm điện lực than, khí, xăng dầu, luyện kim; các bến phục vụ khu kinh tế ven biển; kêu gọi đầu tư các bến cảng tại các cảng biển tiềm năng Vân Phong và Trần Đề.
Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các chính sách về giá, phí tại cảng biển để nâng cao hiệu quả đầu tư cảng biển, tăng tính hấp dẫn đối với các hãng tàu, thu hút hàng container trung chuyển quốc tế.
Đẩy mạnh khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống cảng biển phù hợp với xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh. Ưu tiên đầu tư, phát triển, sử dụng hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin cơ chế một cửa quốc gia.
Nguồn: baogiaothong