Để đáp ứng được tốc độ phát triển nhanh của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hệ thống cảng biển thành phố nói chung và Cảng Sài Gòn nói riêng cần phải mở rộng để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng. Trên tinh thần đó, từ năm 2006, Cảng Sài Gòn đã đầu tư mở rộng địa bàn khai thác tại khu vực Bà rịa – Vũng tàu tại ba liên doanh SSIT, CMIT, SPPSA.
Đầu tiên là liên doanh SSIT.
Công ty TNHH Liên doanh Dịch vụ Container Quốc tế Cảng Sài Gòn – SSA (viết tắt là SSIT) là một trong các cảng nước sâu tại khu vực Cái Mép – Thị Vải. Liên doanh này được thành lập vào năm 2006 giữa Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC), Công ty CP Cảng Sài Gòn (Cảng Sài Gòn) và Công ty SSA Marine của Hoa Kỳ. Nằm ở khu vực hạ lưu của khu vực Cái Mép với diện tích 60ha và 600m cầu cảng, cảng SSIT được xây dựng để khai thác tàu container kích cỡ lớn và được trang bị các thiết bị khai thác hiện đại bao gồm các cẩu bờ lớn nhất Việt Nam. Mặt khác, cảng SSIT còn có 435m bến chuyên dùng cho sà lan kết nối hàng xuất và nhập khẩu từ các ICD (điểm thông quan nội địa), các cảng tại các khu vực TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương với khu vực cảng Cái Mép.
Theo số liệu của Hiệp Hội Cảng Biển Việt Nam (VPA), 10 tháng 2023 cả nước đạt 14.9 triệu TEU (chưa bao gồm hàng qua sà lan, giảm 4% so với cùng kỳ 2022); cụm cảng Cái Mép Thị Vải đạt 3.9 triệu TEU và riêng cảng SSIT đạt 433 ngàn TEU. Sản lượng hàng hóa và container trong năm 2023 có sự sụt giảm chung do các nguyên nhân như nền kinh tế thế giới suy thoái, hàng xuất nhập thị trường Mỹ giảm sâu – đây cũng là thị trường chính của khu vực cảng Cái Mép. Ngoài ra, do lạm phát và chi phí tăng, khách hàng thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm ảnh hưởng các đơn hàng của các doanh nghiệp tại VN và ảnh hưởng tình hình xuất nhập khẩu nói riêng của khu vực. Ngoài ra sản lượng rỗng về Cái Mép giảm so với mọi năm do thừa rỗng cũng ảnh hưởng nhiều đến tổng sản lượng thông qua của các cảng.
Chuyến tàu đầu tiên cập Cảng SSIT- tuyến Shikra ngày 01/07/2023
Ảnh: cảng SSIT cung cấp
Các kết quả trong năm 2023 là Cảng SSIT đã đón các tuyến dịch vụ mới ghé cảng trong năm. Cụ thể, Cảng SSIT đã đón chuyến tàu đầu tiên của tuyến dịch vụ Bengal của hãng tàu MSC kết nối Việt Nam kết nối Việt Nam với Bắc Trung Quốc, Hàn Quốc, Bangladesh và các nước Đông Nam Á khác vào ngày 28 tháng 3; đón chuyến tàu Dolphin của hãng tàu MSC ngày 14 tháng 7; đón chuyến tàu đầu tiên của tuyến Shikra kết nối Việt Nam với các cảng lớn Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác ngày 1 tháng 7.
Cảng SSIT sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan bộ ngành liên quan để hỗ trợ các tàu có tải trọng lớn hơn vào Việt Nam, bao gồm các tàu container siêu lớn với sức chở đến 20.000-24.000 TEU nhằm hỗ trợ giảm chi phí trên mỗi container cho hãng tàu.
Mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thị trường chưa hồi phục, tập thể CB.CNV Cảng SSIT đã cố gắng khai thác thêm hàng rời cũng như tiếp nhận thêm các chuyến tàu khách khi cầu bến trống. Ngoài ra, tập thể Ban điều hành, các phòng ban cũng tăng cường các biện pháp quản lý chi phí, nguồn lực một cách hiệu quả, tinh gọn và cung cấp chất lượng dịch vụ tốt nhất đến khách hàng.
Thứ hai là liên doanh CMIT.
Nếu SSIT là cảng biển nước sâu hiện đại cung cấp các dịch vụ cho các hãng tàu, khách hàng và là cảng cữa ngõ khu vực miền Nam thì cảng CMIT chú trọng xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và an toàn.
Cảng Quốc tế Cái Mép (viết tắt là CMIT) được thành lập từ năm 2006 giữa ba cổ đông là VIMC (36%), Cảng Sài Gòn (15%) và APM Terminals (49%). Cảng CMIT chính thức đi vào vận hành khai thác từ năm 2011. Với diện tích 48ha, cảng được trang bị 6 cẩu bờ STS loại super-post-panamax có tầm với 23 hàng và các trang thiết bị hiện đại để xếp dỡ hàng hoá.
Năng suất khai thác cao ổn định qua các năm, hoạt động khai thác an toàn được duy trì và thực hiện tốt trong suốt thời gian vừa qua, là điểm mạnh của cảng. CMIT liên tục phá vỡ các kỉ lục khai thác của chính mình và kỉ lục về năng suất bến cao nhất đạt 233 container/giờ chỉ với 6 cẩu bờ khai thác. Năng suất xếp dỡ cao trực tiếp góp phần giải phóng tàu nhanh chóng, mang lại lợi ích trực tiếp cho các hãng tàu.
An toàn là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động kinh doanh khai thác cảng. Đến nay, công ty đã duy trì thành tích 1.154 ngày không có tai nạn lao động. Thành tích này là minh chứng cho sự cam kết kiên định của CMIT trong việc tạo ra một môi trường làm việc an toàn cho tất cả mọi người từ nhân viên công ty đến các đối tác, nhà thầu, khách hàng, các cơ quan chức năng và quan khách đến thăm và làm việc tại CMIT.
Trong quá trình hoạt động, CMIT luôn là đơn vị tiên phong tiếp nhận các tàu kích cỡ lớn nhất thế giới, từ 132.000 DWT đến 160.000 DWT (năm 2015), tàu 194.000 DWT (năm 2017) và đặc biệt là tàu 214.000 DWT (tháng 10/năm 2020). Điều này mở ra các chương mới và nâng cao vị thế cho CMIT, đóng góp lớn vào thành tích chung của khu Cảng Cái Mép – top 11 năm 2021 và top 12 năm 2022 trên bảng xếp hạng CPPI (Container Port Performance Index – Chỉ số hoạt động Cảng container) do ngân hàng Thế giới (World Bank) và tổ chức S&P Global Market Intelligence xếp hạng.
CMIT không ngừng nỗ lực triển khai các chương trình cải tiến liên tục, áp dụng Lean và xây dựng Phương pháp làm việc CMIT (CMIT Way of working) nhằm tạo ra các kết quả lâu dài, bền vững, giá trị hơn cho các khách hàng và các bên liên quan. Áp dụng các công cụ làm việc tinh gọn (Lean) tập trung vào việc loại bỏ các lãng phí và tạo ra hiệu quả không ngừng trong mọi hoạt động cả về thời gian và chi phí.
Công ty đã và đang triển khai đào tạo Lean cho toàn bộ cán bộ công nhân viên ở tất cả các cấp để xây dựng, duy trì và phát triển văn hóa cải tiến liên tục. Đến nay, hơn 280 dự án cải tiến (Kaizen) được thực hiện, góp phần trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn khai thác và kiểm soát chi phí hiệu quả. Các chương trình đào tạo và xây dựng văn hóa cải tiến của CMIT được các cổ đông công ty ghi nhận và đánh giá cao. CMIT được xem là hình mẫu về văn hóa cải tiến trong hệ thống cảng của các cổ đông, truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ các cảng trong hệ sinh thái cảng biển của các cổ đông triển khai áp dụng.
CMIT còn chú trọng xây dựng một môi trường cảng nước sâu hiện đại và chuyên nghiệp. Cảng đầu tư và phát triển hệ thống khai thác cảng (TOS) hiện đại ngay từ những ngày đầu vận hành khai thác. Đặc biệt trong các năm gần đây, công ty tích cực đẩy mạnh xây dựng và đưa vào áp dụng các giải pháp công nghệ trong các tương tác và trao đổi dữ liệu với khách hàng và các cơ quan chức năng như: CAP (Customer access portal) – cổng truy cập thông tin hàng hóa, theo dõi tình trạng hàng hóa trực tuyến, vị trí container, lịch tàu, thời gian cut-off, tình trạng thanh lý hải quan; E-CARGO: hệ thống giám sát quản lý hàng hóa thông qua cảng kết nối với hệ thống hải quan điện tử; E-INVOICE – Hóa đơn điện tử; E-DO – Lệnh giao hàng điện tử, Cổng hoàn tiền thừa trực tuyến – Refund online, Live camera – Chia sẻ hình ảnh trực tuyến về tình trạng khai thác tại cổng cảng để các khách hàng có thể chủ động cập nhật kịp thời và có kế hoạch giao nhận hàng hóa thuận lợi hơn tại cổng cảng.
Với các nỗ lực lớn của CMIT trong hoạt động khai thác cảng biển, CMIT luôn được các cổ đông nói riêng và các cơ quan Bộ ngành, địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
Việc CMIT tiên phong thử nghiệm tiếp nhận tàu trọng tải 194.000 DWT/sức chở 18.000 TEU từ năm 2017 có ý nghĩa rất lớn với khu cảng nước sâu Cái Mép và ngành khai thác cảng biển VN. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã trao tặng bằng khen cho Ông Nguyễn Xuân Kỳ đã có thành tích xuất sắc trong việc thí điểm thử nghiệm đưa tàu container siêu lớn loại Triple-E 18.000 TEU vào, rời cảng CMIT an toàn.
Tại Lễ kỉ niệm 30 năm thành lập tỉnh được tổ chức vào ngày 18/12/2021 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo đảng, Chính phủ và lãnh đạo tỉnh, CMIT và lãnh đạo của cảng là đại diện duy nhất cho ngành kinh tế cảng biển của tỉnh được chọn xuất hiện trong phim tài liệu “Bà rịa – Vũng tàu – 30 năm hành trình vươn ra biển lớn” chiếu trong sự kiện lớn này của tỉnh; và lãnh đạo của cảng – ông Nguyễn Xuân Kỳ – Tổng Giám Đốc tiếp tục được chọn là một trong năm cá nhân có thành tích nổi bật của tỉnh tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023 do hội đồng thi đua – khen thưởng trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 11/6/2023.
Năm 2022, CMIT vinh dự được Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam trao tặng cúp Ghi nhận Đóng Góp Sáng Tạo Đổi Mới trong năm 2022; được Chủ tịch UBND tỉnh Bà rịa – Vũng tàu trao tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đóng góp an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Và rất nhiều bằng khen khác của các cơ quan chức năng như Cục Hải quan tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bà rịa – Vũng tàu…
Cảng CMIT
Ảnh: cảng CMIT cung cấp
Thứ ba là liên doanh SP-PSA
SP-PSA là cảng container nước sâu đầu tiên của khu vực Cái Mép- Thị Vải, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009. Kết hợp kinh nghiệm và chuyên môn cao của các cổ đông gồm VIMC, Cảng Sài Gòn và Singapore PSA Việt Nam (Công ty con 100% vốn của PSA International), SP-PSA cung cấp những giải pháp logistics xuyên suốt đến khách hàng và đối tác với quy trình khai thác an toàn và an ninh cao nhất với cam kết tuyệt hảo.
SP-PSA luôn đặt ra các tiêu chuẩn mới, cải thiện kết quả và đổi mới trong mọi khía cạnh hoạt động kinh doanh của mình, luôn tận tụy đối với khách hàng, giúp khách hàng của mình thành công bằng cách đáp ứng nhu cầu của họ.
Với tư cách là một đội, SP-PSA luôn tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra những ảnh hưởng tích cực, cung cấp một môi trường an toàn và lành mạnh cho nhân viên, khách hàng và đối tác, tìm kiếm và thúc đẩy sự phát triển toàn diện trong cộng đồng.
Như là một tổ chức tập trung cho an toàn, SP-PSA tiếp tục tăng cường thực hiện HSSE và sẽ là một đối tác mẫu mực về HSSE (Sức khỏe – An toàn – An ninh & Môi trường), xem xét thấu đáo các vấn đề HSSE trong các quyết định kinh doanh, thương mại và khai thác của mình. Tất cả các biện pháp HSSE phải tuân theo chính sách của công ty, qui trình, chương trình và thực hành HSSE. SP-PSA đã và đang thúc đẩy nền văn hóa mà nhân viên có thể chia sẻ cam kết về HSSE.
Năm 2023 do sự bất ổn toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn hàng khu vực Cái Mép – Thị Vải (CMTV). Tuy nhiên, Cảng SP-PSA đã nỗ lực không ngừng trong việc cung cấp dịch vụ mới, giải pháp logistics theo nhu cầu của khách hàng. Một trong những điểm nổi bật của năm 2023 là dịch vụ mới “Bãi ngoại quan.” Đây là một giải pháp đặc thù, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí do không tốn thêm chi phí đóng rút hàng nếu khách hàng muốn tạm nhập và tái xuất nguyên container. Ngoài ra, khách hàng có nhiều lựa chọn là để hàng rời và hàng nguyên container trong khu vực bãi thuê với sự an toàn cao nhất.
Nhu cầu của khách hàng nông sản ngày cao nên SP-PSA phải cố gắng nắm bắt nhu cầu để đáp ứng và duy trì sự ủng hộ của khách hàng hàng lâu năm có sản lượng qua cảng lượng ổn định. Vì vậy, mặc dù khu vực CMTV còn nhiều khó khăn và SP-PSA tuy không thể hoàn thành tất cả các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023 nhưng về sản lượng thì dự kiến tăng khoảng 8% so với năm 2022.
Cảng SP-PSA luôn tự hào về những đóng góp tích cực trong việc cung cấp dịch cảng và logistics đa dạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cảng SPPSA
Ảnh: cảng SPPSA cung cấp
Cảng Sài Gòn cũng như 3 cảng liên doanh cam kết tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Tập trung vào việc hợp tác, thúc đẩy kinh doanh dịch vụ, nâng cao hiệu suất vận hành và tìm kiếm thêm các khách hàng mới nhằm cũng cố thị phần các mặt hàng.
Hi vọng với sự chuyển mình của ba cảng liên doanh này cùng với sự cố gắng của tập thể CB.CNV Cảng Sài Gòn, sự phát triển bền vững trong tương lai sẽ được đảm bảo.
Lê Vương Đoan Tú